PHÂN TÍCH BÀI THƠ VỘI VÀNG

4 dòng đầu “Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt bớt Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi.” 4 câu đầu được kết cấu kiểu câu thơ vắt dòng, kết hợp với điệp cấu trúc, tạo thành 4 dòng thơ 5 chữ, mang dáng dấp của một lời đề từ. …

  1. 4 dòng đầu

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt bớt

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.”

  • 4 câu đầu được kết cấu kiểu câu thơ vắt dòng, kết hợp với điệp cấu trúc, tạo thành 4 dòng thơ 5 chữ, mang dáng dấp của một lời đề từ.
  • Đại từ nhân xưng “tôi” xuất hiện từ đầu với tư thế dõng dạc, đường hoàng, tuyên xưng khát vọng của mình qua đại từ “muốn”. “Muốn” đồng nghĩa với “mong”, “ước”, nhưng sắc thái chủ động hơn.
  • Giọng điệu của người chủ soái trong phong trào Thơ Mới.
  • Các động từ “tắt nắng”, “buộc gió” cho ta rõ hơn niềm khát khao của Xuân Diệu, thi sĩ muốn can dự vào công việc của tạo hóa => nên đây là khát vọng thực táo bạo.
  • Tuy táo bạo nhưng không bồng bột, bởi lẽ Xuân Diệu có ý thức sâu sắc cho màu đừng nhạt bớt, cho hương đừng bay đi. Thì ra, thi sĩ muốn đoạt quyền tạo hóa để lưu giữ hương, nâng niu màu của cuộc sống. Màu sắc, hương thơm chính là cái đẹp.
  • Ngay từ 4 câu đầu, Xuân Diệu đã tự phác thảo chân dung tinh thần của mình là một chàng thi sĩ trẻ tuổi, trẻ lòng, táo bạo, mãnh liệu những cũng đầy lãng mạn, thơ mộng. Vộ vàng chính là lẽ sống của chàng.
  1. 8 dòng tiếp theo
  • Trước tiên, đoạn thơ tái hiện một thiên đường trên mặt đất:
    • Xuân Diệu tái hiện hình ảnh khu vườn chốn trần gian. Vườn là một tín hiệu nghệ thuật quen thuộc của các nhà thơ mới.
    • Vườn xuân tràn trề sự sống. Tất cả các hình ảnh, chi tiết đều được tái hiện ở trạng thái non tơ, mơn mởn. Đây là buổi sớm của tháng Giêng, tháng đầu tiên trong năm, là khoảnh khắc ánh sáng chớp hàng mi vừa gõ cửa, cành lá là cành tơ, đồng cỏ màu xanh rì.
    • Vườn Xuân Diệu đặc biệt nhất còn là vườn tình. Các sự vật tồn tại có đôi có cặp, quấn quýt: ong bướm, yến anh; không gian, thời gian ngọt ngào, say đắm: “tuần tháng mật, khúc tình si”; với mọi vật giao hòa.
  • Đây chính là khu vườn của một tâm hồn thiết tha, rạo rực, băn khoăn, đồng thời là Ông Hoàng thơ tình.
  • So sánh: Các nhà thơ mới cùng thời với Xuân Diệu có nhiều cách hình dung khác nhau về cuộc sống. Có người chỉ thấy cuộc sống có ý nghĩa khi mơ về quá khứ, có người thoát lên tiên, có người chìm đắm trong tưởng tượng, chỉ có riêng Xuân Diệu là gắn bó tha thiết với đời thực. Những hình ảnh thiên nhiên trong thơ ông sống động, gần gũi. Đây chính là một cái mới mà Xuân Diệu đem đến, đồng thời góp phần thể hiện tình yêu đời, yêu cuộc sống mãnh liệt, nồng nàn.

*) Đoạn thơ còn thể hiện quan điểm thẩm mỹ mới mẻ và độc đáo.

  • Với việc bày ra một bữa tiệc nơi khu vườn tình ái, Xuân Diệu đã gián tiếp trả lời cho 2 câu hỏi “Cái đẹp có ở đâu?” và “Thế nào là chuẩn mực của cái đẹp?”.
    • Cái đẹp có ở đâu?: Điệp từ “này đây” xuất hiện 5 lần. Đây là từ chỉ định, nó không chỉ gợi ra sự sung mãn, tràn trề, phong phú, dồi dào của cảnh vật, mà quan trọng hơn, nó cho ta biết khoảng cách giữa thi sĩ và cái đẹp: gần, rất gần, ngay bên cạnh, tưởng chừng chỉ cần chạm tay là tới. Cái đẹp luôn mời gọi đầy quyến rũ, giữa cõi trần này, quanh chúng ta.
    • Chuẩn mực của cái đẹp là gì?: Điều này thể hiện rõ qua các phép so sánh đầy biểu cảm và làm nên phong cách Xuân Diệu, tiêu biểu nhất là câu: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”.

So sánh: Trước Xuân Diệu, trong nền thơ ca truyền thống của Việt Nam, rất chuộng lối nói:

“Người ta là hoa đất”.

“Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”.

“Làn thu thủy, nét xuân sơn”.

=> Nghĩa là: cái đẹp của thiên nhiên luôn là chuẩn mực cho cái đẹp của con người.

Đến Xuân Diệu, tháng Giêng – thiên nhiên lại được đem so sánh với cặp môi gần của người thiếu nữ. Đây là sự đảo chiều ngoạn mục trong tư duy. Với Xuân Diệu, cùng là chuẩn mực cái đẹp, là chuẩn mực của vũ trụ, nhưng không phải là cùng trong tuổi trẻ, trong tình yêu: cặp môi gần có lẽ là đôi môi gợi cảm, quyến rũ của người con gái.

*) Sáng tạo nghệ thuật của Xuân Diệu:

  • Đoạn thơ còn thể hiện rõ những cách tân giữa các yếu tố nghệ thuật, tiêu biểu nhất là ảnh hưởng của ông với lối thơ tượng trưng của Pháp => câu thơ là sự huy động, kích thích nhiều giác quan, có những câu là sự trộn, chuyển kênh liên tục giữa các giác quan. Tiêu biểu nhất: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Tháng Giêng là khái niệm thời gian, thuộc nhận thức trừu tượng, đã được Xuân Diệu cụ thể hóa thành ấn tượng của vị giác: “ngon”, sau đó lại nhảy sang thị giác: “cặp môi gần”. Như vậy, tháng Giêng vừa quyến rũ, ngọt ngào, tựa thứ trái chín, lại có sự say đắm, quyến rũ của 1 cô gái đẹp. Dù hiểu theo cách nào thì ta cũng thấy Xuân Diệu yêu thương tha thiết, nồng nàn với Tháng Giêng.
  1. 18 dòng tiếp.

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”

  • Dấu chấm (.) đột ngột xuất hiện giữa dòng thơ -> bước chuyển (khúc ngoặt) -> cú sốc về tiết tấu và nó là bản lề của tâm trạng.
    • Trước dấu chấm: đỉnh cao của cảm xúc, là dào dạt, rộn ràng, đam mê.
    • Sau dấu chấm: vội vàng một nửa.
  • Đây là lần đầu tiên và duy nhất trong toàn bài, hai chữ “vội vàng” được láy lại từ nhan đề. Vội vàng chính là mẫn cảm về thời gian.
  • Cái thú vị là 2 chữ “một nửa” -> trạng thái tinh thần của Xuân Diệu: vừa đam mê, vừa đau khổ, vừa bắt đầu đã lo kết thúc, tình vừa non đã thấy sắp già rồi, vừa ở giữa khu vườn tình ái, thoắt đã thấy mình lạc lõng ở hoang mạc cô liêu.
  • Quan niệm về thời gian:

“Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”

Xuân Diệu sử dụng cấu trúc thơ theo lối định nghĩa với từ “nghĩa là”, Xuân Diêu đã đồng nhất hai vế “đương tới” và “đương qua”, “non” và “già”. Về bản chất, đây là cái nhìn thời gian tuyến tính, một đi không trở lại: “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”.

So sánh: Đây là quan niệm mới mẻ, tiến bộ của Xuân Diệu về thời gian. Trước thời Thơ Mới, thi nhân Việt Nam thường có cái nhìn bình thản, an nhiên trước vũ trụ; bởi lẽ, với họ, thời gian là tuần hoàn, có tính luân hồi, xuân năm nay qua đi, xuân năm sau sẽ tới:

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đinh tiền tạc dạ nhất chi mai”
(Cáo tật thị chúng – Mãn Giác Thiền Sư)

Nghĩa là

“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”
(Có bệnh bảo mọi người – Mãn Giác Thiền Sư)

  • Quan niệm của Xuân Diệu là quan niệm tích cực, nó cảnh tỉnh con người nên sống có ý nghĩa từng giây, từng phút.

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”

  • Quan niệm về cái tôi: “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”.

Xuân Diệu tiếp tục sử dụng cấu trúc định nghĩa để đặt 2 vế xuân và tôi trong sự đồng đẳng. Đây có thể xem là lời phát biểu, lời tuyên ngôn của Xuân Diệu về cái tôi cá nhân. Với Xuân Diệu, thì ra cái tôi cá nhân chỉ thực sự tồn tại, thực sự có giá trị, ý nghĩa khi ở trong mùa xuân, tức là trong tuổi trẻ, trong tình yêu.

  • Quan niệm về mối quan hệ giữa tôi với thời gian: “Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi”.
    Câu thơ khắc họa sự tương phản gay gắt giữa cái tôi cá nhân, cái tôi đời người với thời gian vũ trụ, trời đất. Thời gian thì vô hạn, đời người là hữu hạn, do đó Xuân Diệu phủ nhận sự tồn tại vĩnh viễn của một cái tôi, của cái đẹp: “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”.

Hệ quả của điều ấy là cảm thức về sự chia ly, chia phôi. Mỗi khoảnh khắc đều đang diễn ra sự chia ly => lời tiễn biệt triền miên, bao trùm từ sông núi đến tháng năm, từ ngọn gió đến cánh chim:

“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Nghệ thuật

  • Nhân hóa
  • Ẩn dụ chuyển đổi giác quan/ Tương giao giác quan.
  • Điệp cấu trúc
  • “Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi”: Đây có thể xem là câu thơ hay nhất của Xuân Diệu về thời gian.
  • Quả thực, Xuân Diệu là người bị ám ảnh về thời gian -> sử dụng tất cả các giác quan để cảm nhận thời gian: khứu giác, thị giác, vị giác, cảm giác. Dù bằng giác quan nào, thì đáp án cuối cùng là chia phôi, nghĩa là thời gian một đi không trở lại.
  1. 10 dòng cuối: Sống vội vàng là sống như thế nào? (sự thể hiện quan niệm sống vội vàng).
  • Đoạn thơ mở đầu bằng một thái độ lựa chọn dứt khoát, quyết liệt: “Mau đi thôi! Mùa chưa ngủ chiều hôm”.
  • Câu thơ là lời giục giã. Đây là giọng thường trực trong thơ Xuân Diệu:
    “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Em, em ơi! Tình non sắp già rồi”
“Gấp đi em! Anh rất sợ ngày mai”

  • 9 dòng thơ còn lại là sự hiện thực hóa cái quyết tâm, lời giục giã ở trên:
    • 3 chữ “Ta muốn ôm” đứng riêng một dòng thơ và đặt chính giữa dòng cho thấy vị trí đặc biệt quan trọng của nó. Câu thơ giống một lời tuyên ngôn dõng dạc: từ cái “tôi” của thuở ban đầu, đã trở thành “ta”. Với đại từ “ta”, dường như Xuân Diệu muốn lan tỏa, muốn truyền nhiệt sống đến cả những người xung quanh, để rồi liên tiếp phía sau là một chuỗi những dòng thơ trùng điệp về cấu trúc, bắt đầu bằng 2 chữ “ta muốn”; tâm điểm là 1 động từ, đối tượng của ta là những hình ảnh, sự vật được gợi tên bằng các cụm danh từ, động từ, tính từ.
    • Nhìn vào hệ thống động từ, có thể thấy chất Xuân Diệu rất đậm nét: ôm, riết, say, thâu, cắn. Đây đều là những động từ mạnh ở thế chủ động. Không chỉ diễn tả tâm trạng, trạng thái thụ cảm mãnh liệt bằng tất cả các giác quan, mà chúng còn là những động từ chỉ sự yêu đương nồng nàn. Như vậy, Xuân Diệu không chỉ chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, mà còn có khát khao, hành động chiếm lĩnh. Đọc đến đây, người ta có cảm giác Xuân Diệu giống như một người tình nhân tha thiết, đắm say, mà tình nương của chàng là mùa xuân, là thiên nhiên bất tận.

Nếu ở những dòng thơ đầu, Xuân Diệu bày tỏ trước người đọc một bữa tiệc trần gian, thì đoạn này, một lần nữa, Xuân Diệu đưa người đọc thăng hoa, khi lựa chọn những từ ngữ + hình ảnh:

“Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”

  • Bản thân những sự vật nhà thơ lựa chọn vốn đã đẹp, ông không ngừng gia tăng sức quyến rũ của chúng với động từ + tính từ gợi tả vẻ đẹp non tơ, sự tươi trẻ.
  • Đoạn thơ còn đầy ắp tính từ và thừa thãi liên từ: “và”, “cho”.

“Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng”

Kết hợp với hình thức câu thơ vắt dòng và phép điệp ngữ, tạo ra nhịp điệu nhanh, mạnh, dồn dập, cuống quýt, hối hả như những lớp sóng không ngừng tăng tiến => Đằng sau nhịp thơ ấy là bắt đầu khát khao dâng trào mãnh liệt, là sự tham lam, ham hố, vồ vập cuộc đời của Xuân Diệu.

  • Tất cả đẩy lên cao trào và kết thúc trong một lời hô gọi: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người”. Đây là câu thơ suy nhất trong bài có hình thức một lời đối thoại, có từ để gọi. Phải chăng suốt từ đầu bài thơ là những nung nấu, khát khao, đến đây chúng buột thành lời.
  • Như vậy, với Xuân Diệu, vội vàng là lựa chọn ứng xử để chống chọi với thời gian. Theo đó, vội vàng là tăng cường độ sống, tăng chất lượng cuộc sống, sống nhiệt thành, sống cuống quýt, sống tận hưởng và tận hiến trong tất cả khoảnh khắc để với tất cả khoảnh khắc ngắn ngủi có thể lưu giữ tối đa thanh sắc của thời tươi.

Đây là quan niệm sống tích cực, tiến bộ, không giống với quan niệm sống gấp của giới trẻ bây giờ. Bởi lẽ nếu sống vội, sống gấp chỉ là hưởng thụ cá nhân, ích kỷ, thì sống vội của Xuân Diệu là tận hưởng, tận hiến để không chỉ cá nhân được hạnh phúc, mà cuộc đời cũng lưu giữ được sắc hương.

phone zalo