GD&TĐ – Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), nhiều người nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).
Làm rõ cách hiểu về xét tuyển sớm
Bà Thủy nhấn mạnh, không có phương thức nào được gọi là “phương thức xét tuyển sớm”. Vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, cần làm rõ cách hiểu về xét tuyển sớm vì một số cơ sở đào tạo và thí sinh dường như có cách hiểu chưa chính xác. Theo bà Thủy, xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là khác nhau.
Cụ thể, xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Tuy nhiên, trên phương diện thời gian thì xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Do hiểu nhầm là, chỉ có kỳ xét tuyển sớm mới được sử dụng các phương thức xét tuyển “riêng” (mà không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên các trường lo lắng khi bị giới hạn con số 20% chỉ tiêu.
Vì hiểu chưa đúng, thí sinh lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như: xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2024.
Theo bà Thủy, thí sinh không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.
Hai năm nay, Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng như: đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung.
Do đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường.
Bên cạnh đó, dự thảo có quy định điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển ở đợt xét tuyển chung. Quy định này nhằm hướng đến công bằng cho thí sinh, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào của tuyển sinh và chất lượng đào tạo ở bậc đại học.
Do vậy, thí sinh có thể yên tâm và tự tin, tiếp tục nỗ lực hết sức, học tập và ôn tập thật tốt (dù đang định hướng theo phương thức xét tuyển nào) để có kết quả cao nhất trong năng lực của mình. Các em sẽ có cơ hội cạnh tranh công bằng để vào được trường và ngành học mà mình yêu thích.
Khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Dự thảo thông tư sửa đổi tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay.
Thứ nhất là việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Thứ hai, năm 2025 là năm đầu tiên các học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xét tuyển đại học. Vì vậy, cần đổi mới quy chế tuyển sinh để đáp ứng yêu cầu của những đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp trung học phổ thông.
Theo đó, những điểm mới cốt lõi gồm điều chỉnh quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với nhóm ngành sư phạm, sức khoẻ; chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh…
Những nội dung sửa đổi, bổ sung khác chủ yếu mang tính kỹ thuật, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức đăng ký và xét tuyển.
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại