GD&TĐ – Nhiều trường đại học có sự tính toán tổ hợp xét tuyển đại học trong năm 2025 phù hợp với lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo CTGDPT 2018.
Tin học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật… xuất hiện ở nhiều phương án tuyển sinh dự kiến.
Thêm môn mới trong tổ hợp
Trường Đại học Kinh tế – Luật là trường thành viên đầu tiên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Đáng chú ý, nhà trường sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển, bao gồm: Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn; Toán, Tiếng Anh, Vật lý; Toán, Tiếng Anh, Tin học; Toán, Tiếng Anh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.
Như vậy, so với những năm trước, Trường Đại học Kinh tế – Luật không còn xét tuyển bằng tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh). Đồng thời, nhà trường bổ sung 2 tổ hợp mới: Toán, Tiếng Anh, Tin học; Toán, Tiếng Anh, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Trong 2 tổ hợp mới, trường sử dụng 2 môn mới của Chương trình GDPT 2018 là Tin học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.
ThS Cù Xuân Tiến – Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế – Luật cho hay, nhà trường sớm thành lập tổ công tác xây dựng tổ hợp môn tuyển sinh và phương án tuyển sinh 2025.
Nhà trường phân tích kỹ lưỡng Chương trình giáo dục trung học phổ thông mới, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển/trúng tuyển/nhập học hằng năm theo từng tổ hợp, học lực của các thí sinh nhập học theo mỗi phương thức, tổ hợp qua các năm, cơ cấu nhóm môn học của trường THPT, sách giáo khoa, đề cương giảng dạy của môn học mới…
Từ đó, phương án tuyển sinh năm 2025 được xây dựng nhằm chọn lọc những thí sinh giỏi, đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường và đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường lao động.
“Trường dự kiến công bố đề án tuyển sinh năm 2025 chi tiết trước tháng 2/2025. Trường hợp, Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TPHCM ban hành quy chế tuyển sinh mới, nhà trường sẽ cập nhật điều chỉnh lại phương án tuyển sinh đúng theo quy định hiện hành”, ông Tiến cho biết.
Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế – Luật viện dẫn điểm c, khoản 3, Điều 3, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 6/6/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Quy chế tuyển sinh đại học nêu rõ “không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, chương trình đào tạo”. Do đó, nhà trường tạm thời ban hành 4 tổ hợp môn dự kiến như trên.
Tương tự, Trường Đại học Công Thương TPHCM công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều dự kiến thay đổi trong tổ hợp xét tuyển. Cụ thể, trường sẽ sử dụng các tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý); C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lý); C02 (Ngữ văn, Toán, Hóa học); C03 (Ngữ văn, Toán học, Lịch sử); C14 (Toán, Ngữ văn, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật). Ngoài ra, trường dự kiến sẽ đưa vào tổ hợp xét tuyển K01 (Toán, Tiếng Anh, Tin học).
Như vậy, 2 môn học mới trong Chương trình GDPT 2018 là Tin học và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật đều xuất hiện trong các tổ hợp xét tuyển của trường. Theo TS Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc mở rộng các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C tạo cơ hội cho các thí sinh có nền tảng về khối này tiếp cận nhiều ngành nghề khác nhau tại trường.
Một số môn học chính sẽ thường xuyên xuất hiện trong các tổ hợp xét tuyển. Cụ thể, Toán là môn học chính trong ngành như Công nghệ thông tin, Kế toán, Tài chính ngân hàng và nhóm ngành kỹ thuật; Ngữ văn xuất hiện ở các ngành có liên quan đến quản trị và xã hội như Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật kinh tế; Tiếng Anh là môn học chính trong các ngành như Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc.
Sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM – trường dự kiến đưa tổ hợp khối C vào việc xét tuyển năm 2025. Ảnh: HUIT
Băn khoăn môn học, môn thi
2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều thay đổi quan trọng. Kỳ thi với 4 môn, trong đó, Toán và Ngữ văn bắt buộc; học sinh lựa chọn thi 2 môn trong số các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Do đó, hiện học sinh lớp 12 rất quan tâm đến các tổ hợp xét tuyển của các trường đại học sử dụng trong năm 2025.
Theo dõi thông tin tuyển sinh thời gian qua, ThS Hồ Sỹ Anh – chuyên gia giáo dục, từng công tác tại Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, các tổ hợp xét tuyển của một số trường đại học chưa bám sát theo Chương trình GDPT 2018. Cụ thể, môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật ít xuất hiện trong các tổ hợp. Mặc dù, nhiều học sinh đã chọn các môn này để học ở THPT.
ThS Hồ Sỹ Anh cho rằng, điều này có thể dẫn đến tình trạng vắng bóng các môn học này trong những năm học sau ở một số trường THPT. “Đây là những khó khăn và thử thách cho các trường học, vì sẽ thừa thiếu giáo viên cục bộ. Về lâu dài, tình trạng vắng bóng một số môn học ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của địa phương và đất nước”, ông nói.
Nỗi lo trên cũng được nêu tại hội nghị tuyển sinh do Trường Đại học Công Thương TPHCM tổ chức mới đây. Ông Huỳnh Thanh Lộc – Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Cần Thơ) cho biết, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, nhiều học sinh bị thiệt thòi do không được chọn môn mình yêu thích khi trường không thể mở lớp bởi nhiều lý do khác nhau.
Thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Cần Thơ cho thấy, khoảng 40% học sinh khối 12 chọn học các môn thuộc nhóm Khoa học tự nhiên nhưng khi được hỏi về môn thi tốt nghiệp THPT, 30% trong số đó lại chọn môn Khoa học xã hội. Cùng nỗi trăn trở này, nhiều lãnh đạo các trường THPT cho rằng, nếu các tổ hợp xét tuyển của trường đại học lệch hoặc “ưu ái” cho một số môn học nào đó sẽ dẫn đến sự bất công giữa các nhóm thí sinh.
Đại diện trường THPT tại hội nghị đã đề xuất các trường đại học xây dựng tổ hợp có đầy đủ môn học ở cấp THPT để việc giảng dạy ở cấp học này hài hòa, đa dạng phù hợp với nguyện vọng học tập của học sinh.